Nằm trên Cao Nguyên Đắk Lắk rộng lớn ở phía tây dãy trường sơn, thành phố Buôn Ma Thuột (diện tích tự nhiên 377,18 Km2 chiếm khoảng 2,87% của tỉnh Đắk Lắk) có thời tiết khí hậu mát mẻ, trong năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, là thành phố trung tâm Văn hóa, Kinh tế, Chính trị của tỉnh Đắk Lắk và cấp Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng của vùng và cả nước.
Sau 45 năm ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk bước đầu đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá, đời sống của đồng bào khổ cực, nhưng sau đó được sự hỗ trợ từ Trung ương, chính quyền và nhân dân các dân tộc tại địa phương, không ngừng vượt qua khó khăn và đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội.
Nhờ ở vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Nguyên, với nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi, là vùng đất ba gian màu mỡ trù phú bậc nhất Tây Nguyên, nên Buôn Ma Thuột có nhiều loại trái cây, rau củ, quả và hạt tiêu, hạt đều, cây cao su, đặc biệt là cà phê Buôn Mê đã nổi tiếng từ lâu chiếm lĩnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và chất lượng cà phê có hương vị đậm đà và thơm ngon.
Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự vươn mình xứng tầm với danh xưng là thủ phủ của khu vực. Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột được xem là “nóc nhà của nóc nhà”, có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh, cũng như phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ Chính trị đã ban hành các kết luận, với định hướng, mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2010-2020. Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, tập trung đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, y tế, thể dục, thể thao, phấn đấu trước năm 2020 trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên… Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột đã có được những thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 – 2015 đạt 13,37%, giai đoạn 2016 – 2018 đạt 13,98%.
Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 14,53%, dịch vụ tăng 14,76%, nông – lâm nghiệp tăng 1,63%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đến cuối năm 2018 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 42,92%; dịch vụ chiếm 52,95%, nông, lâm và thủy sản chiếm 4,13%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 77,92 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 690 hộ, chiếm 0,85%… Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch, phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên… Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Để thực hiện thành công các nội dung trên, Kết luận 67 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Đặt mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của Đắk Lắk và của Tây Nguyên, phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch…
Theo Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang, sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều dự án, công trình đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt như đường vành đai phía tây thành phố Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh biện đa khoa vùng Tây Nguyên… Về sản xuất công nghiệp, thành phố đã hình thành cụm công nghiệp Tân An với 84 dự án đăng kí đầu tư, đến nay có 63 dự án đi vào hoạt đông. Các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… đều có bước phát triển mới.
Riêng lĩnh vực văn hóa, thành phố đã có Nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các chương trình lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, phục dựng nhằm phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng thành phố trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên theo tinh thần của Kết luận số 60. “Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ không riêng của một cấp, một ngành nào, mà phải được sự đồng thuận, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải có sự hưởng ứng, dồn tâm, dồn lực và cùng nhau đoàn kết thực hiện của nhân dân các dân tộc anh em trên toàn tỉnh Đắk Lắk”, ông Từ Thái Giang khẳng định.
Trao đổi với PV, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, để thúc đẩy Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai, cây công nghiệp, du lịch, năng lượng điện gió, điện năng lượng mặt trời mà Buôn Ma Thuột sẵn có. Tỉnh tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với vùng duyên hải, đặc biệt là cảng biển của Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), khai thông những khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng đô thị thông minh, tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột để đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách, đặc thù để thúc đẩy sự phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, đặc biệt, phải khơi dậy được khát vọng vươn lên làm giàu của người dân, tạo điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp phát triển, tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch thành phố Buôn Ma Thuột xứng tầm với đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, mời chuyên gia tư vấn của nước ngoài để có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo đúng yêu cầu theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị, phải là một đô thị hiện đại, bản sắc, sinh thái, mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên.
Diện mạo Đắk Lắk cũng thay đổi với những thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không khá thuận lợi, với sân bay Buôn Ma Thuột và hệ thống các đường Quốc lộ 14, 26, 27, 28 kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và cả nước.
Hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp, với 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 98% thôn, buôn có điện, 233 dự án, công trình được đầu tư xây dựng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2019, toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 49 triệu đồng/người (tăng 8 triệu đồng so với năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo còn 9,35%, giảm 3,46% so với cuối năm 2018, đến nay Đắk Lắk đã sản xuất được hơn 1,2 triệu tấn lương thực, bình quân đầu người đạt khoảng 659 kg/người, diện tích và sản lượng cà phê đứng đầu cả nước, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng thế giới.
(Báo Dân Sinh)